1. Ung thư bàng quang là gì?
Ung thư bàng quang là bệnh lý ác tính bắt nguồn từ khối u trong bàng quang – cơ quan hình cầu ở vùng xương chậu, nơi chứa nước tiểu. Nếu không được phát hiện sớm và tiến hành điều trị tích cực, khối u có thể lây lan đến các cơ quan ở xa. Ung thư bàng quang có thể phát triển ở bất kỳ ai nhưng phổ biến hơn cả là nam giới độ tuổi trên 55 tuổi. Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, có đến khoảng 90% bệnh nhân ung thư bàng quang được chẩn đoán bệnh ở độ tuổi này.
Về phân loại các dạng ung thư bàng quang, các bác sĩ cho biết có đến hơn 90% ung thư bàng quang là loại ung thư biểu mô tế bào chuyển tiếp, ít gặp hơn là ung thư biểu mô gai và biểu mô tuyến.
2. Dấu hiệu ung thư bàng
Có máu trong nước tiểu
Đây là triệu chứng điển hình nhất của bệnh ung thư bàng quang.Tiểu lẫn máu trong bệnh ung thư này có đặc điểm là tiểu máu từng đợt, tiểu máu toàn bãi có máu từ đầu bãi nước tiểu đến cuối bãi nước tiểu. Đái không có cảm giác đau. Có thể việc có máu trong nước tiểu cũng không do bệnh ung thư bàng quang gây ra mà còn do tổn thương ở thận, niệu quản, hay bàng quang. Nhưng có triệu chứng này chứng tỏ đã có tổn thương nghiêm trọng ở đây.Vì thế mà cần đi khám bác sĩ ngay.
Đi tiểu thường xuyên
Dấu hiệu thứ hai rõ nhất của của bệnh ung thư bàng quang là đi tiểu nhiều, tiểu khó, tiểu không tự chủ. Hoặc có cảm giác thường xuyên buồn tiểu, tuy nhiên lại không thể đi tiểu được. Do là khối u phát triển trong bàng quang khiến bàng quang bị giảm thể tích và bị kích thích ra nước tiểu.
Đau buốt khi đi tiểu
Khi có khối u ở bàng quang phát triển thì nó sẽ chèn ép vào lớp niêm mạc ở đường tiết niệu khiến nó bị viêm và trở nên nhạy cảm. Do đó khi nước tiểu đi qua các mô này sẽ khiến cho người bệnh cảm thấy đau rát và nóng khi tiểu
Nhiễm trùng đường tiểu
Khi bị ung thư bàng quang thì còn có thể kèm theo nhiễm trùng đường tiểu. Người bình thường không có vấn đề về sức khỏe thì nước tiểu sẽ trong, không có mùi hoặc có mùi khai nhẹ. Khi bị nhiễm trùng đường tiểu và ở đây là do ung thư bàng quang thì nước tiểu khi này có mùi hôi, màu đục không trong kèm theo cả máu.
Đau lưng dưới
Khi có dấu hiệu này có thể ung thư bàng quang đã phát triển to ra chèn ép ra xung quanh và ảnh hưởng đến các cơ quan lân cận. Gây cảm giác đau phần lưng dưới và đau xuyên ra phía sau lưng. Đau lưng cũng có thể là dấu hiệu của các bệnh xương khớp khác nhưng nếu có các biểu hiện trên kèm theo thì không nên chủ quan.
Đau hạ vị
Nếu bệnh nhân có triệu chứng đau hạ vị mãn tính xuất hiện thường xuyên và liên tục trong suốt thời gian dài thì có thể là do ung thư bàng quang. Khi phát triển to ra thì khối u ở bàng quang sẽ chèn ép các cơ quan, dây thần kinh và xâm lấn ở vùng hạ vị gây ra hiện tượng đau này. Nếu người bệnh bị đau trong thời gian dài và sử dụng thuốc không thuyên giảm thì đo là dấu hiệu xấu của các bệnh nguy hiểm trong đó có ung thư bàng quang
Đau đầu
Đau đầu mãi không thuyên giảm, dai dẳng kéo dài và kèm theo các triệu chứng chứng nói trên thì có thể ung thư bàng quang đã vào giai đoạn nặng. Tế bào ung thư theo máu di căn lên não hoặc là phát triển to ra chèn ép vào các dây thần kinh chạy qua khu vực hạ bộ. Nếu bệnh nhân đã dùng thuốc và không có cải thiện và dữ dội hơn trước thì cần đặt lịch với bác sĩ khám ung thư ngay
Đau xương
Đau nhức các xương trong cơ thể, nhất là xương chậu có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư bàng quang đã di căn vào xương. Dấu hiệu là đau trong xương, các khớp và thường đau vào ban đêm. Nếu không bị các chấn thương về xương khớp mà bị đau xương thì cần đi khám bác sĩ về ung thư vì đó có thể là dấu hiệu cho thấy ung thư đã chạy vào xương.
Mệt mỏi
Mệt mỏi cơ thể là triệu chứng thường thấy do ung thư gây ra không ngoại trừ ung thư bàng quang. Sự mệt mỏi do ung thư bàng quang gây ra có thể xuất phát do sự đau nhức của các cơ quan, tiểu buốt nóng và sự phát triển của khối u khiến cho cơ thể không còn đủ năng lượng để hoạt động. Nếu thấy mệt mỏi và kèm theo các triệu chứng trên thì có nghĩa là bệnh đã vào giai đoạn nặng.
Sụt cân
Bị sụt cân nhanh chóng là dấu hiệu nguy hiểm của cơ thể khi mắc các bệnh hiểm nghèo trong đó có bệnh ung thư bàng quang. Sụt cân chứng tỏ cơ thể bạn đã quá sức chống lại các tác nhân gây bệnh trong cơ thể và bị tổn thương nghiêm trọng. Nếu bị sụt cân quá nhanh trong thời gian ngắn thì cần phải đi khám sức khỏe ngay.
3. Chẩn đoán ung thư bàng quang
Để phát hiện sớm ung thư bàng quang, bạn cần tới các cơ sở y tế, bệnh viện uy tín để được thực hiện các xét nghiệm, thăm khám cần thiết nhằm chẩn đoán chính xác bệnh.
Khám lâm sàng: bác sĩ khám bụng và hố chậu để tìm khối u. Đồng thời bác sĩ sẽ hỏi tiền sử bản thân và gia đình để có kết luận sơ qua về sức khỏe.
Xét nghiệm nước tiểu: phương pháp này giúp bác sĩ tìm máu trong nước tiểu.
Chụp thận – niệu quản: bác sĩ tiêm một loại thuốc cản quang vào mạch máu. Thuốc này tích tụ lại trong nước tiểu, làm hiện lên hình ảnh của bàng quang trên phim X-quang.
Soi bàng quang: bác sĩ sử dụng một ống nhỏ có nguồn sáng (ống nội soi bàng quang) để quan sát trực tiếp bên trong bàng quang. Bác sĩ đưa ống soi vào trong bàng quang qua niệu đạo để quan sát niêm mạc bàng quang.
Sinh thiết: bác sĩ sẽ lấy một mẫu mô qua ống nội soi để tiến hành sinh thiết nhằm xác định tính chất của khối u.
Trường hợp mắc ung thư bàng quang, bác sĩ sẽ xác định mức độ và giai đoạn bệnh cụ thể để đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.