Các triệu chứng của ung thư vòm họng
Trước khi tìm hiểu các triệu chứng của ung thư vòm họng, bạn cần biết đây là một loại ung thư ác tính. Chúng xuất hiện ở vòm họng phía sau, chỗ thắt vòm họng hoặc ngách hầu.
Đây cũng là một trong những loại ung thư gây tỷ lệ tử vong các nhất ở Đông Nam Á vì biểu hiện ban đầu rất khó nhận biết. Đa số bệnh nhân chỉ phát hiện khi tế bào ung thư ở giai đoạn cuối hoặc gần cuối và đã di căn đến các cơ quan khác của cơ thể. Phổ biến nhất là ở xương, phổi và gan.
Tuy nhiên, vẫn có một vài dấu hiệu giúp bạn phần nào biết được mình có đang mắc bệnh hay không. Các dấu hiệu phổ biến nhất là:
Xuất hiện hạch và sưng cổ: khoảng 80% các bệnh nhân mắc ung thư vòm họng xuất hiện dấu hiệu này đầu tiên. Đi kèm với nó sẽ là tình trạng nuốt nước bọt khó khăn, cảm giác vướng víu. Vòm họng có cấu trúc mô bạch huyết phong phú. Một khi có sự xuất hiện của tế bào ung thư, các tế bào này sẽ di chuyển rất nhanh đến các hạch cổ, gây sưng và đau cổ.
Ho dai dẳng kèm khàn tiếng: những cơn ho sẽ xuất hiện kèm đờm dính máu và gây khàn tiếng.
Nhiễm trùng tai và cảm giác tiếng bị vọng: khối u và tế bào ung thư nếu xuất hiện có thể ảnh hưởng nhiều đến thính giác của người bệnh bởi các bộ phần này nằm rất gần nhau.
Nghẹt mũi, trong nước mũi có máu: Đây là một trong những triệu chứng xuất hiện sớm nhất. Nếu bị tình trạng này kéo dài trên 2 tuần, tốt nhất bạn nên đi kiểm tra bác sĩ.
Đau đầu: bệnh nhân sẽ thấy đau nửa đầu hoặc đau sâu trong hốc mắt. Một số người sẽ bị tê bì vùng mặt. Triệu chứng này thường xuất hiện muộn và chỉ số ít người gặp phải.
Tùy vào cơ địa và điều kiện sinh sống của từng người, các biểu hiện của ung thư vòm họng có thể rất khác nhau. Rất khó để biết bạn có bị ung thư hay không vì bệnh này hay bị nhầm lẫn với viêm họng.
Triệu chứng của viêm họng gồm: ngứa, rát, sưng tấy cổ họng; rét run và cơ thể suy yếu. Người bị viêm họng sẽ cảm thấy đau khi nói chuyện và vướng víu, khó chịu khi nuốt nước bọt. Triệu chứng này hơi giống khi vòm họng bị ung thư.
Tuy nhiên, viêm họng thường sẽ tự hết sau vài ngày. Còn ung thư vòm họng thì kéo dài lâu hơn và còn đi kèm với nhiều triệu chứng khác, đặc biệt là sụt cân. Do đó, nếu bị cảm giác như viêm họng kéo dài hơn 2 tuần thì tốt nhất là bạn nên đi kiểm tra để loại trừ các nguy cơ cũng như có biện pháp chữa trị kịp thời.
Nguyên nhân gây ung thư vòm họng
Các nhà khoa học vẫn chưa xác định nguyên nhân chủ yếu gây ung thư vòm họng. Tuy nhiên, các nghiên cứu đã cho thấy, có rất nhiều yếu tố gây ra bệnh này. Đặc biệt là khi chúng tác động cùng lúc với nhau, nguy cơ mắc ung thư sẽ rất cao.
Yếu tố môi trường: môi trường ô nhiễm (nhất là môi trường không khí) và những loại thức ăn chứa thành phần độc hại có thể gây ung thư. Đặc biệt là các loại thức ăn chứa nhiều Nitrosamine như cá muối, dưa muối bị khú…
Virus Epstein Barr (EBV): khi tìm thấy gen của loại vi khuẩn này trong tế bào khối u và huyết thanh của người bị ung thư. Các nhà khoa học nghi ngờ rằng đây cũng là một trong những tác nhân gây bệnh.
Di truyền: khả năng cao là loại ung thư này có tính di truyền. Tuy nhiên đây là tính trạng lặn và chỉ xuất hiện khi cơ thể gặp một vài kích ứng nào đó.
Phát hiện sớm sẽ nâng tỷ lệ sống sót lên 72%
Ung thư vòm họng có 4 giai đoạn. Nếu phát hiện sớm, khả năng sống sau 5 năm điều trị là 72%. Tuy nhiên, đa số bệnh nhân khi phát hiện bệnh đều ở giai đoạn 3 và 4 – khi khối u đã di căn và tỷ lệ sống sót sau điều trị chỉ đạt 38%.
Tùy vào giai đoạn bệnh, kích thước khối u và thể trạng của người bệnh, các bác sĩ sẽ sử dụng kết hợp 3 phương pháp điều trị gồm:
Xạ trị: dùng chùm tia năng lượng cao để diệt tế bào ung thư.
Hóa trị: dùng hóa chất dạng viên, truyền tĩnh mạch hoặc cả hai.
Phẫu thuật: phương pháp này giúp cắt bỏ khối u và được dùng khi bệnh ở giai đoạn đầu (chưa di căn).
Dùng hóa chất hay chùm tia năng lượng cao để trị ung thư gây tổn hại rất nhiều đến cơ thể người bệnh. Tế bào ung thư có thể được tiêu diệt nhưng các tế bào khác trong cơ thể cũng bị “nhiễm độc” theo. Do đó, tác dụng phụ của các phương pháp này là rụng tóc, nám da, sụt cân, mệt mỏi, đau đớn và hệ miễn dịch suy yếu.
Cách phòng tránh ung thư vòm họng
Trong nhiều trường hợp, nhất là khi vòm họng bị ung thư ở giai đoạn cuối sẽ không thể ngăn chặn được. Triệu chứng ban đầu của bệnh này cũng rất khó nhận biết. Do đó, bạn chỉ có thể chủ động phòng tránh để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh bằng cách:
Khám sức khỏe định kỳ và tầm soát ung thư mỗi năm 2 lần.
Xây dựng chế độ ăn uống khoa học: ăn nhiều trái cây và rau quả; tránh ăn cá và thịt ướp muối.
Từ bỏ thói quen uống đồ quá nóng.
Không hút thuốc, hạn chế uống nhiều rượu bia.
Tập thể dục thường xuyên để nâng cao sức khỏe.