Vi trùng bao tử là gì?
Vi trùng bao tử thực chất là vi khuẩn Helicobacter pylori (vi khuẩn Hp/ vi khuẩn H. pylori) – một loại xoắn khuẩn gram âm sinh sống trong dạ dày của con người.
Dạ dày là môi trường có tính axit và có rất ít vi khuẩn có thể tồn tại ở cơ quan này. Tuy nhiên, vi trùng bao tử có khả năng tiết ra urease – một loại enzyme giúp trung hòa dịch vị. Với cơ chế này, vi khuẩn Hp dễ dàng sinh sống và phát triển trong niêm mạc dạ dày.
Hiện nay các nhà khoa học đã tìm thấy 12 chủng thuộc chi Helicobacter, trong đó 4 loại sống ký sinh ở người. Tuy nhiên chỉ có riêng Helicobacter pylori có khả năng gây ra các vấn đề ở dạ dày.
Cấu tạo và chức năng của vi trùng bao tử
Vi trùng bao tử có cấu trúc dạng xoắn, kích thước 0,5µm x 3-5µm, có chùm lông ở đầu, không có vỏ, không sinh nha bào và có khả năng di động mạnh.
Helicobacter pylori có sức đề kháng mạnh hơn so với các loại vi khuẩn ở đường tiêu hóa khác. Tuy nhiên, chủng vi khuẩn này không có khả năng kháng axit mà hoạt động bằng cách phân giải ure trong dạ dày, sau đó tạo thành các màng ammoniac bao quanh nhằm bảo vệ cơ thể và trung hòa dịch vị. Vi khuẩn tồn tại và phát triển trong môi trường có nhiệt độ từ 30 – 40 độ C và hoạt động mạnh nhất ở nhiệt độ 37 độ C.
Mặc dù Helicobacter pylori có thể gây ra nhiều vấn đề ở dạ dày. Tuy nhiên có đến 80% trường hợp nhiễm vi khuẩn nhưng không có phát sinh triệu chứng. Trong trường hợp này, vi trùng bao tử có vai trò điều hòa và cân bằng hệ sinh thái trong môi trường dạ dày.
Vi trùng bao tử có nguy hiểm không?
Vi trùng bao tử là một trong những nguyên nhân và yếu tố dẫn đến các vấn đề ở đường tiêu hóa. Tuy nhiên có một số trường hợp nhiễm vi khuẩn nhưng không phát sinh triệu chứng lâm sàng hay khởi phát bệnh lý.
Theo các chuyên gia, vi khuẩn Helicobacter pylori có thể phát triển mạnh, kích thích hoạt động bài tiết axit và co bóp thành dạ dày khi có các yếu tố cộng hưởng như lạm dụng kháng sinh, thuốc chống viêm, chế độ ăn không khoa học và căng thẳng thần kinh kéo dài.
Đối với những trường hợp có lối sống lành mạnh, loại xoắn khuẩn này chỉ tồn tại trong dạ dày với số lượng hạn chế và hầu như không gây ra bất cứ triệu chứng nào. Hiện nay, các nhà khoa học nhận thấy vi khuẩn Helicobacter pylori có vai trò quan trọng trong cơ chế khởi phát của các bệnh lý sau:
Viêm loét dạ dày tá tràng: Viêm loét dạ dày tá tràng là tình trạng niêm mạc dạ dày và phần đầu của ruột non bị viêm và loét do hoạt động ăn mòn của dịch vị. Bệnh lý này xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó đến 50% trường hợp dương tính với vi khuẩn Helicobacter pylori.
Chuyển sản ruột ở dạ dày: Chuyển sản ruột ở dạ dày là tình trạng các tế bào ở dạ dày biến đổi cấu trúc tương tự tế bào ở đường ruột. Hiện nay, nguyên nhân chính xác gây ra bệnh lý này vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên một số giả thuyết cho rằng, vi khuẩn Hp có thể tương tác với độc tố từ thức ăn – đồ uống, sau đó tấn công vào niêm mạc dạ dày và gây loạn sản tế bào.
Thủng dạ dày: Vi khuẩn Hp có xu hướng trú ngụ ở niêm mạc dạ dày và phát triển khi có điều kiện thích hợp. Trong trường hợp dạ dày xuất hiện ổ viêm loét, vi trùng bao tử có thể trú ngụ ở vị trí này, sau đó tấn công vào các mô và gây thủng dạ dày.
Ung thư dạ dày: Ung thư dạ dày là tình trạng tế bào ở cơ quan này phát triển quá mức, mất kiểm soát và chuyển thành tế bào ác tính. Hiện nay nguyên nhân chính xác gây ra bệnh lý này vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên bệnh có mối liên hệ mật thiết với vi khuẩn Helicobacter pyori, chế độ dinh dưỡng, yếu tố môi trường và địa lý.
Đường lây truyền của vi trùng bao tử
Vi trùng bao tử Hp có thể lây nhiễm qua:
Lây qua đường miệng – miệng: Vi trùng bao tử tồn tại trong nước bọt, dịch tiết dạ dày và các mảng cao răng. Do đó, vi khuẩn có thể lây nhiễm thông qua hoạt động hôn môi, mớm thức ăn hoặc sử dụng chung vật dụng (bàn chải đánh răng, muỗng, chén, đũa,…) với người nhiễm bệnh.
Lây qua đường phân – miệng: Một lượng nhỏ vi khuẩn Helicobacter pylori có thể di chuyển cùng với thức ăn xuống đường ruột và được đào thải ra bên ngoài. Vì vậy, vi trùng bao tử có thể lây nhiễm do thói quen không vệ sinh tay sau khi đi tiêu và trước khi ăn.
Lây qua đường dạ dày – dạ dày: Dịch tiết dạ dày là nơi có số lượng vi khuẩn Hp cao nhất. Đường lây dạ dày – dạ dày thường xảy ra do các yếu tố trung gian như nội soi, phẫu thuật dạ dày tại các cơ sở y tế không đảm bảo vô trùng thiết bị y tế.
Lây từ môi trường – miệng: Vi khuẩn Hp sinh sống, phát triển mạnh trong môi trường dạ dày và có khả năng tồn tại kém khi ở môi trường tự nhiên. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có một số trường hợp nhiễm vi trùng bao tử từ nguồn nước, đất và thức ăn nhiễm khuẩn.
Biện pháp phòng ngừa vi trùng bao tử
Vi trùng bao tử là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về dạ dày – đặc biệt là ung thư dạ dày. Hơn nữa hiện nay chưa có vaccine đặc hiệu đối với Helicobacter pylori. Do đó, bạn nên chủ động phòng ngừa vi khuẩn này với một số biện pháp như:
Không sử dụng chung chén, đũa, bàn chải và hạn chế các thói quen như gắp thức ăn, mớm cơm,…
Nên tầm soát sức khỏe trước khi kết hôn để tránh lây nhiễm vi trùng bao tử cho vợ/ chồng.
Rửa sạch tay với xà phòng sau khi đi vệ sinh và trước khi chế biến thức ăn. Đồng thời nên ăn chín uống sôi, hạn chế dùng thực phẩm tươi sống và ăn uống lề đường.
Xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh, tránh dùng các loại thực phẩm và đồ uống ảnh hưởng xấu đến dạ dày như rượu bia, thực phẩm cay nóng, chứa nhiều gia vị, axit hoặc đồ lên men.
Sau khi tiếp xúc với đất và nguồn nước tự nhiên nên vệ sinh tay bằng xà phòng diệt khuẩn.
Thăm khám sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện và điều trị nếu nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori.
Nên che miệng khi ho, hắt hơi và cần rửa sạch tay với xà phòng để giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh.
Vi trùng bao tử (Helicobacter pylori) là nguyên nhân gây ra nhiều vấn đề ở dạ dày. Do đó nếu xuất hiện các triệu chứng bất thường hoặc nghi ngờ nhiễm chủng vi khuẩn này, bạn nên chủ động thăm khám để điều trị trong thời gian sớm nhất.